Linh thiêng miền đất Tây Yên Tử - Kiến thức tổ chức sự kiện | Kinh nghiệm tổ chức sự kiện | Tổ chức sự kiện chuyên nghiệp
Home » , , , , , , , , » Linh thiêng miền đất Tây Yên Tử

Linh thiêng miền đất Tây Yên Tử

Written By Trangia Event on Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012 | 18:19

Yên Tử được biết đến như một kinh đô Phật giáo của Việt Nam. Du khách hành hương về Yên Tử hằng năm thường đi theo đường từ phía Đông Yên Tử qua tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên hiện nay có một con đường khác linh thiêng và kỳ thú đang từng bước được khai thông.  Đó là con đường khám phá đỉnh Yên Tử từ phía Tây qua địa phận tỉnh Bắc Giang.

Tổ chức sự kiện Trần Gia - Linh thiêng đất TâyYên Tử
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Hiện nay dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại rất nhiều các di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là vào thời Lý - Trần. Đặc biệt hơn nữa phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, chùa Hồ Thiên, Hồ Bấc, chùa Bình Long, đỉnh núi Yên Mã… Theo khảo sát các di tích này đều thuộc vào hàng danh thắng, mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa và có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Các chùa đều được dựng ở nơi núi cao bằng phẳng, thoáng đãng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ. Đứng ở vị trí các ngôi chùa này đều có thể có cái nhìn bao quát toàn cảnh sông núi xung quanh. Mỗi ngôi chùa lại có những nét kiến trúc riêng và được xây dựng theo luật phong thủy, địa lý. Các chùa đều có cái thế đầu gối sơn, chân đạp thủy long có thành quách bao bọc rõ ràng. Trong hệ thống các thắng tích miền Tây Yên Tử tiêu biểu phải kể đến Vĩnh Nghiêm Tự, chùa Am Vãi và khu du lịch sinh thái Đồng Thông thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang…
Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn gọi là Đức La thuộc thôn Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng chỉ cách thành phố Bắc Giang khoảng 10 km về phía Nam. Chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào thời Trần khi vua Trần chút bỏ hoàng bào tu hành hoằng đạo đã đến nơi này và từ đó chùa Đức La trở thành trung tâm phật giáo của cả nước khi ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm mở trường thuyết phấp tại đây. Một thời, Đức La còn là nơi tiền trạm để các môn đồ Phật giáo, khách hành hương nghỉ chân trước khi vượt sông leo núi lên đỉnh Yên Tử. Vì thế người xưa từng có câu ca:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.
Vĩnh Nghiêm được đặt ở nơi cảnh đẹp, thoáng và rộng, phía lưng tựa vào núi Cô Tiên thuộc dãy núi Nham Biền, mặt ngoảnh nhìn ngã ba Phượng Nhỡn – nơi hợp lưu của 3 con sông Lục Nam, Sông Thương và sông Cầu. Hiện nay, dù trải qua thăng trầm của hơn 700 năm lịch sử nhưng Vĩnh Nghiêm vẫn cơ bản giữ được lối kiến trúc cổ mang nét đặc trưng của các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ. Vĩnh Nghiêm hiện là nơi thờ Phật và ba vị tam tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm:  Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang. Tham quan nơi này du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cây hoa Nhập Nhân có tuổi gần bằng với tuổi của ngôi chùa cổ, cây hoa Đại 300 năm tuổi và đặc biệt là kho mộc thư gồm gần 3 nghìn bản ván khắc kinh Phật, các trước tác của 3 vị Trúc Lâm Tam tổ…. Đây là bộ thư khố cổ niên đại hơn 300 tuổi có nhiều giá trị lịch sử phật học, văn hóa và y học đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản tư liệu của thế giới, được hòa mình trong không khí thanh bình của làng quê Việt Nam với những bờ tre, gốc lúa và sự đón tiếp nồng hậu, chân thành của người dân địa phương.
Chùa Am Vãi hay còn gọi là Am Ni tự nằm cách thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn 15km, thuộc xã Nam Dương. Nằm ở vị trí núi cao nên phong cảnh chùa vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ và được đánh giá là một điểm linh tụ của trời đất. Chùa có cái thế lưng tựa núi, mặt ngoảnh nhìn ra thung lũng rộng mênh mông, nơi có con sông Lục Nam uốn mình như dải lụa. Chùa nằm cách xa khu dân cư, ẩn mình trong một khu rừng thưa. Để lên được Chùa, du khách có thể đi bằng đường núi từ xã Tân Mộc hay có thể đi bằng đường thủy dọc theo các nhánh của con sông Lục Nam đến bến Nam Dương và tiếp tục leo núi vào chùa. Và một con đường mới được mở mà ô tô có thể lên được đến sân chùa đó là đường từ xã Nam Dương. Theo đường này du khách đi chừng khoảng hơn 4 km trên sườn núi. Tuy đường lên chùa phải qua nhiều đèo dốc song bù lại từ trên sườn núi du khách có thể thả hồn ngắm cảnh núi non hùng vĩ của dãy Yên Tử và trải dài tầm mắt nhìn về phía thung lũng dưới chân núi, xa xa là những ngôi nhà thấp thoáng trong các đồi vải bạt ngàn, những cách đồng phì nhiêu được dòng sông Lục Nam bồi đắp... Ngôi chùa gắn liền với nhiều truyền tích về hang tiền, hang gạo, các nàng tiên giáng trần mà dấu tích vẫn còn lại quanh chùa đến ngày nay.Nơi đây cũng từng là chốn tu thiền nhập định của công chúa nhà Trần…Đến chùa Am Vãi du khách không chỉ thoả lòng thành tâm hướng Phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng và thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quanh năm từ những khe núi… đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng phía sau chùa, tạm lánh xa những sô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh…   

Cong-ty-su-kien-Tran-Gia-Den-Ha-tai-khu-thang-canh-suoi-Mo
Đến với miền đất linh thiêng Tây Yên Tử du khách có thể ghé thăm khu thắng cảnh suối Mỡ, chùa Hồ Bấc, đỉnh Yên Mã thuộc huyện Lục Nam…Đi thăm bản văn hóa người Dao thuộc xã Tuấn Mậu huyện Sơn Động nằm ngay dưới chân núi Yên Tử.  Cư dân của Bản Mậu 100% là người Dao hiện còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của tộc người như nghề hái và bốc thuốc Nam truyền thống, nghề thêu thổ cẩm. Trước kia, nơi đây từng có nhiều con gái đẹp được tiến Vua. Các cô gái bản Mậu sở hữu một vẻ đẹp hoang sơ với nước da trắng ngần, đôi mắt đen biết nói và thuộc những bài dân ca trong vắt…
Tiếp tục cuộc hành trình quí khách sẽ khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử tại khu du lịch sinh thái Đồng Thông – nơi bảo tồn hàng ngàn loài động thực vật quí hiếm và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như thác Giót, thác Ba tia, Bãi Đá Rạn, Ao vua, Hồ Tiên, Suối nước trong hay còn gọi là suối Thông, Suối nước vàng…Từ đây quí khách sẽ chỉ mất khoảng 2 giờ đi bộ để chinh phục chốn phù vân linh thiêng Yên Tử với đích đến là Chùa Đồng…Suốt dọc hành trình chinh phục chùa Đồng quí khách sẽ được thưởng thức tiếng chim ca, tiếng róc rách của nước chảy, tiếng sào sạc của rừng cây, đắm mình trong cảnh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng Yên Tử…
Hiện nay con đường từ thành phố Bắc Giang đi Yên Tử đã khá thuận lợi với khoảng cách chừng hơn 2 giờ xe chạy. Để rút ngắn thời gian đi từ thành phố Bắc Giang đến với Tây Yên Tử, UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt dự án đầu tư trên 2.700 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 từ thành phố Bắc Giang đi Sơn Động và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm; Thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Tây Yên Tử với trị giá khoảng 50 tỷ đồng gồm các hạng mục như xây nhà điều hành, khu nhà sàn dân tộc, nhà để xe, mở rộng đường lên Chùa Đồng…vv Cùng với đó hiện sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành xây dựng quy hoạch bảo tồn tổng thể hệ thống di tích danh lam thắng cảnh phía sườn Tây Yên Tử nhằm bảo tồn cảnh quan, giá trị lịch sử văn hóa của các di tích đồng thời tạo cơ sở phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Đến với Bắc Giang vào mùa xuân Du khách sẽ còn có cơ hội tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân địa phương tại chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14- 15/2, hội chùa Am Vãi vào dịp 23 tháng 3, hội đền Suối Mỡ được mở vào ngày 30-1/4 âm lịch hằng năm.
                                                                 Nguồn:  Hà Yến

Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét