Không
có ngoại lệ, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, từ cổ đại
cho đến ngày nay đều là những quốc gia đa dân tộc, đồng thời một dân tộc
có thể sống trên nhiều quốc gia.
Điều
này dẫn tới hai mối quan hệ: Một là, trong quá trình tích hợp văn hóa
tộc người thành một cấu trúc dân tộc trong mối quan hệ biện chứng giữa
dân tộc chủ thể và dân tộc ít người, giữa các dân tộc với nhau là một
quốc sách vô cùng quan trọng có thể nói là hàng đầu của Việt Nam. Hai
là, dù có phân chia thành biên giới quốc gia, trong khi phải đảm bảo chủ
quyền nhưng vẫn không thể ngăn cản mối quan hệ đồng tộc của họ bên nước
bạn. Xây dựng tình đoàn kết dân tộc trong một quốc gia đồng thời cần
quan tâm đến xu thế hoà hợp hội nhập dân tộc trong khu vực và quốc tế.
Điều đó có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử khu vực Đông Nam Á. Tại đây
đã diễn ra những quá trình hội tụ - phát tán dẫn đến những phức thể văn
hóa mới chung cho toàn vùng. Bước hội tụ sau cao hơn bước hội tụ trước
đồng thời cũng để lại nhiều sắc tộc, nhiều dấu ấn địa phương khác nhau.
Do đó, đặc trưng của văn hóa Đông Nam Á là “thống nhất trong đa dạng”(1)
và quá trình hội tụ bắt nguồn từ những trung tâm khác nhau nên nó không
mang tính đơn tuyến trong sự biệt lập, mà là đa tuyến trong sự tiếp xúc
đan xen nhiều chiều, tạo nên những đường đồng quy, những cơ chế văn hóa
tộc người đa thành phần.
Việt Nam có thể nói là một Đông Nam Á thu nhỏ. Nói một cách khái quát văn hóa Việt Nam là một phức thể gồm 3 yếu tố: văn hóa núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa miền biển, trong đó yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo. Việt Nam Nam Đảo, Tày Thái, Tạng Miến. Điều khác biệt cho phép chúng ta nhận diện văn hóa Việt Nam chủ yếu là dobức tranh cấu tạo tộc người với nền văn hóa của họ và quá trình tích hợp văn hóa để hình thành nên văn hóa quốc gia dân tộc mang tên là Việt Nam. Quả thật, chỉ có ở Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á mới có một bức tranh đa dạng, đa sắc, đa hương, đa vị như vậy, với những gam mầu đậm nhạt khác nhau: nơi giầu chất núi, nơi thấm đượm chất biển, nơi mỡ màng chất đồng bằng. Nói cách khác, cũng là mầu xanh nhưng có xanh núi rừng, xanh màu lúa, xanh nước biển. Hơn thế nữa ở đây không chỉ có “đa” mà còn có “ẩn” trong ký ức của thời gian. Thời gian đã dệt nên những bức màn lịch sử với bao sự biến động thăng trầm.cũng là nơi hội tụ đủ các bộ tộc thuộc tất cả các dòng ngôn ngữ Đông Nam Á, Nam Á.
Ở
Việt Nam, người Tày – Thái là cư dân rất giỏi làm lúa nước và đã thể
hiện thành công mô hình kinh tế - xã hội lúa nước vùng thung lũng hẹp
chân núi, sau này được nhân rộng ra nhiều vùng ở Đông Nam Á. Trên bản đồ
dân tộc học người ta chia thành 2 nhóm Tày – Thái theo đường phân thuỷ
của Sông Hồng: bên hữu ngạn là cư dân Thái bao gồm cả người Lự, Lào,
Thái ở Thanh Hoá, Nghệ An, bên tả ngạn là cư dân Tày – Nùng và các bộ
tộc Giáy, Bố y, Tu Dí, Thuỷ, Tống... Có ba dân tộc lớn: Thái (trên 60
vạn) phân bố khắp vùng Tây Bắc, Tày (80 vạn), Nùng (55 vạn) ở vùng Việt
Bắc. Cùng với các cư dân Môn Khmer và Hán Tạng, họ đã tạo dựng nên quê
hương của một miền núi non hùng vĩ, từ vịnh Bắc Bộ lên tận Mường Tè nơi
tiếng gà gáy cả 3 nước nghe (Lào – Trung Quốc - Việt Nam) với những vựa
lúa nổi tiếng: Than Uyên, Nghĩa Lộ, Mường Thanh... Họ còn giữ được một
kho tàng văn hóa truyền thống, kể cả văn bản bằng các chữ Thái, chữ Nôm,
Tày, Nùng và một dòng ngôn ngữ khá thống nhất. Người Tày – Thái đã có
một đóng góp cực kỳ quan trọng vào nền văn hóa Việt Nam. Đó là văn hóa
lúa nước. Chính người Việt đã áp dụng mô hình này vào vùng Châu thổ Bắc
Bộ và sau này nhân rộng ra cả nước.
Trong
khi đó các nhóm Môn Khmer đại diện cho văn hóa núi, sống rải rác trên
vùng cao làm nương rẫy, ngôn ngữ bị vỡ vụn ra thành từng mảnh. Nhưng đó
chính là những cư dân bản địa cổ nhất, còn bảo lưu được những yếu tố
tiền cốc loại và những người chủ thực sự của Cao Nguyên. Các học giả
Pháp gọi họ là Tiền Đông Dương (protoindo-chinois). Họ quen thuộc với
môi trường rừng núi và cũng sợ cái hoang vu đầy bí ẩn, đầy nguy hiểm đó.
Do đó họ thích đốt lửa, ưa tiếng nhạc trầm hùng (kiểu cồng chiêng) theo
nhịp 2/4, quen chiếm lĩnh chiều cao với nghệ thuật hoành tráng, ưa màu
nguyên sặc sỡ tương phản với tự nhiên nhằm khắc họa hình dáng con người,
ưa những điệu múa sôi động căng tròn trên từng thớ thịt đường gân theo
tiếng nhạc giầu âm hưởng như thôi thúc con người.
Trong
nhóm Môn Khmer có người Khmer Nam Bộ, là di duệ của chủ nhân nền văn
hóa Đồng Nai (bệ đỡ của nhà nước Phù Nam, sau văn hóa Sông Hồng với nhà
nước Âu Lạc và văn hóa Sa Huỳnh với nhà nước Lâm Ấp, Chămpa). Sự hiện
hữu của người Khmer đã mang đến cho vùng đất mới Nam Bộ một sắc thái núi
ngay trên đồng bằng rộng lớn, một đức tin phật giáo tiểu thừa Theravada
với những nghi thức Balamôn giáo, những chùa chiền, những lễ hội... và
gắn bó với người đồng tộc của họ ở Vương quốc Angkor vĩ đại.
Người
Chàm hiện nay tập trung ở Thuận Hải và An Giang. Thuận hải là khu vực
cư trú lâu đời của họ; ở đây một bộ phận theo Balamôn giáo (60%), số còn
lại theo đạo Bàni (hồi giáo cổ) và một số ít theo đạo Islam (hồi giáo
mới) sống bằng nghề nông. Trái lại, người Chăm ở An Giang theo đạo
Islam, sống dọc sông Hậu, làm nghề dệt vải, đánh cá, buôn bán ngược
xuôi. Người Chàm cùng với các dân tộc Êđê, Jarai, Raglai, Churu tạo
thành nhóm ngôn ngữ Nam đảo trên lục địa. Văn hóa Chàm đậm chất biển. Họ
quen với môi trường biển, ưa phóng tầm mắt ra biển cả, ưa màu trắng của
cát biển và khi chết họ có tục làm tang lễ trên bãi cát, khi cưới có
tục ăn cá một ngày, thờ tổ tiên theo dòng biển (Atâu Tathich) bên cạnh
dòng núi (Atâu Chơk). Họ là dân tộc chủ thể của Nhà nước Champa - một
Nhà nước hùng mạnh ở Đông Nam Á với mô hình gồm 3 thành tố: Thủ đô hành
chính (Trà Kiệu), Thánh địa (Mỹ Sơn) và cảng thị (chiêm cảng). Chính
người Chàm đã có đóng góp to lớn vào phức thể văn hóa Việt Nam - yếu tố
văn hóa biển, làm cho nền văn hóa Việt Nam hội đủ ba yếu tố: núi, đồng
bằng và biển.
Về
mặt xã hội, người Chàm đã để lại chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ là bà chủ:
hỏi chồng rồi cưới chồng, con theo họ mẹ và thuộc gia đình vợ. Người
chồng là họ ngoại, khi chết nhà vợ trả anh ta về với tổ tiên của mẹ. Họ
thờ “thần mẹ xứ Sở” Pô Inư Nagar.
Người
Chàm ngoài những di tích văn hóa vật thể nguy nga đẹp vào loại nhất nhì
Đông Nam Á, họ cũng đã để lại dấu ấn tạo nên sắc thái địa phương khá rõ
nét của người Việt ở phía Nam, từ ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập
quán. Cùng với người Khmer, người Hoa, người Chàm đã góp phần làm nên sự
đa dạng văn hóa của người Việt ở miền Nam.
Trong
bức tranh đa sắc tộc của Việt Nam, ở phía Bắc có một số bộ tộc nói ngôn
ngữ Hán - Tạng, phần lớn là cư dân Tạng Miến và Mèo Dao. Họ là những
người chuyển tải văn hóa từ Bắc xuống Nam, mang lại cho văn hóa Việt Nam
một chút hương vị phương Bắc, nối Cao nguyên Vân Quý với Châu thổ Sông
Hồng và biển Đông. Đó là những dân tộc Lô Lô, Hà Nhì, Sila, Cống, Phù
Lá, Xá Phó... Họ sống rải rác trên vùng núi cao.
Nhóm
H’mông – Dao là một nhóm hỗn hợp mà ngôn ngữ của họ có cơ tầng Môn
Khmer và cơ chế Tạng Miến. Người Dao vào Việt Nam sớm hơn người H’mông,
sống du canh du cư, làm rẫy, ở nhà đất, nửa đất nửa sàn hay nhà sàn, thờ
Bàn vương, khi chết vẫn được đưa hồn về Dương Châu, Trung Quốc. Người
H’mông từ phương Bắc xuống Sapa rồi vào Lai Châu ở lại khu vực Điện Biên
Phủ, sang Lào và vào Nghệ An. Họ là người đưa được ruộng nước lên núi
cao, đưa được cái cày sắt lên vùng đất đá tai mèo làm nương thâm canh,
rất giỏi chăn nuôi, giỏi nghề rèn sắt, có nghề trồng thuốc chữa bệnh,
biết trồng thuốc phiện - một cây trồng có giá trị kinh tế cao mà ngày
nay họ đang phải bỏ đi. Họ sống theo thiết chế dòng họ, khát khao có
người tù trưởng của mình và một vùng đất quê hương để xây dựng cuộc
sống. Người H’mông rất thiện chiến, rất dũng cảm nhưng cũng rất manh
động dễ bị lợi dụng...
Rất
nhiều dân tộc ít người sống xen kẽ với nhau, thậm chí có những nhóm nhỏ
bị tách biệt, có nguy cơ bị mất tiếng mẹ đẻ, nhưng họ lại bảo lưu những
ngôn ngữ và văn hóa rất xưa và có giá trị lịch sử. Ví như người Laha,
Pupéo, Cơlao, Lachí mà Paul Pénédict đặt tên là nhóm Kadai và dùng làm
cầu nối để dựng lại dòng ngôn ngữ Nam – Thái (Austro – Thái) bên cạnh
dòng Nam Á (Austroasiatic). Đó là trường hợp các ngôn ngữ Mày, Rục,
Sách, Arem, Mã liệng, Poọng... mà tác giả bài viết này (PĐD) dùng làm cứ
liệu để dựng lại ngôn ngữ Tiền Việt Mường cách ngày nay hơn 3000 năm2.
Chỉ
với từng ấy thôi chúng ta đã thấy được bức tranh đa sắc tộc của Việt
Nam với những nét đặc sắc, phong phú, đa dạng và những mối quan hệ cội
nguồn, quan hệ tiếp xúc đan xen chằng chịt trong diễn trình lịch sử để
có được một cộng đồng các dân tộc Việt Nam gắn bó, chung lưng đấu cật
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất với những truyền thống vẻ
vang như ngày nay.
Trước
đây, do cách nghiên cứu tách biệt, nên chúng ta đã mô tả văn hóa các
dân tộc ít người một cách rời rạc, không có mối liên hệ, nhất là với
người Kinh – dân tộc chủ thể đã có vai trò lớn trong lịch sử văn hóa dân
tộc, cho nên không phát hiện ra quá trình tích hợp văn hóa Việt Nam.
Chúng ta nói người Tày – Thái giỏi lúa nước nhưng không biết họ đóng góp
vào văn hóa lúa nước Việt Nam như thế nào; nói người Chàm giỏi biển,
nhưng không nói họ đã có đóng góp cách nhìn và ứng xử với biển của người
Việt ra sao... Nếu ngày nay chúng ta nói văn hóa Việt Nam là một phức
thể gồm có yếu tố núi, đồng bằng và biển, thì đó là nói tới sự đóng góp
của các dân tộc mà người Kinh - một cư dân đồng bằng đã tích hợp được để
cùng với các dân tộc khác dệt nên bức tranh đa dạng của văn hóa Việt
Nam ngày nay./.
Nguồn: GS.TS Phạm Đức Dương
Chủ tịch hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam
Chủ tịch hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét