Nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người Việt thể hiện qua tục ngữ - Kiến thức tổ chức sự kiện | Kinh nghiệm tổ chức sự kiện | Tổ chức sự kiện chuyên nghiệp
Home » , , , , , » Nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người Việt thể hiện qua tục ngữ

Nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người Việt thể hiện qua tục ngữ

Written By Trangia Event on Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012 | 19:01


  
                                          Trangia Event - Cốm làng Vòng

(ĐCSVN) - Trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam, ăn uống không chỉ là để duy trì cuộc sống mà còn mang ý nghĩa tinh thần. Với nhiều nét đặc sắc và tinh tế, đây là một nghệ thuật lâu đời được đúc kết, giữ gìn và phát triển thành văn hóa dân tộc. Điều đó thể hiện rõ trong tục ngữ. Những câu tục ngữ về ăn uống không chỉ mang giá trị khoa học về ẩm thực mà còn tỏa sáng giá trị tinh thần người của người Việt và ẩn chứa những quy tắc ứng xử, những bài học luân lí sâu sắc.

Trong thực đơn ăn uống hàng ngày của người Việt Nam có nhiều món ngon truyền thống, tuy dân dã nhưng lại là món khoái khẩu, được nhiều người ưa thích. Kho tàng tục ngữ Việt Nam nói nhiều về món ăn bình dân của đa số người lao động như: cơm tẻ, sắn, ngô, khoai… mà ít đề cập đến những món ăn “cao lương mĩ vị” của các bậc quyền quý.

 Khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo nên tính đa dạng trong sản phẩm nông nghiệp. Vùng nào cũng có những đặc trưng “của ngon vật lạ”. Vì vậy người Việt Nam ăn uống theo mùa “mùa nào thức ấy”.

Tùy từng mùa, con người biết nên hay không nên nấu món gì. Bởi mỗi mùa, người ta biết được cái gì ngon và không ngon: “Mùa hè cá sông, mùa đông cá bể”, “Chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè”, “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”, “Ăn vảy trốc còn hơn ăn ốc tháng tư”, “Rau muống tháng chín, mẹ chồng nhịn cho nàng dâu ăn”… Cái ngon của thực phẩm cũng được thể hiện ra ở những thời kỳ khác nhau: “Gạo tám xoan, chim ra ràng”, “Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm”. Mỗi loại cá có những bộ phận ngon khác nhau: “Đầu trôi, môi mè, đe gáy”, “Đầu chép, mép trôi, môi mè, lườn trắm”. Tùy từng loại rau, con người chọn ăn lá hay ăn cây: “Cây rau má, lá rau húng, cuống rau đay”, “Rau cần ăn cuống, rau muống ăn lá”.

Có những căn cứ ít nhiều mang tính khoa học trong cách chọn cá, thịt: “Cá tươi thì phải xem mang, người khôn xem lấy hai hàng tóc mai”, “Thịt tươi thì phải xem gan, mua bầu xem cuống mới toan không nhầm”. Có thể nói, cha ông đã đúc kết và truyền lại kinh nghiệm trong việc chọn thực phẩm theo mùa, theo thời kỳ sinh trưởng, theo chủng loại… Điều đó được đúc rút trong quá trình lao động, sản xuất và ăn uống của người Việt Nam ta.

Không chỉ cần có thực phẩm ngon, mà còn phải có nghệ thuật chế biến mới có được món ăn ngon. Có những món ăn tưởng chừng như rất đơn giản như dưa cà, rau muống nhưng không phải ai cũng có thể làm ngon: “Muối dưa phải dằn đá, làm cá phải róc vây”. Tùy từng tay nghề của mỗi người mà hương vị món ăn lại có sức hấp dẫn khác nhau. Nấu ăn là một nghệ thuật, không đơn giản chỉ là “chém to kho mặn”.

Trong kho tàng tục ngữ người Việt có khá nhiều câu nói về kinh nghiệm chế biến, nấu ăn như: kinh nghiệm nấu cơm: “Cơm gạo mùa thổi đầu chùa cũng chín”, “Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”; kinh nghiệm mổ gà: “Gà mổ đằng bụng, chim mổ đằng lưng”, kinh nghiệm làm tương: “Tốt mốc ngon tương”; làm mắm: “Mắm mặn chết giòi”; kinh nghiệm nấu thịt chó và chọn rượu: “Rượu tăm thịt chó nướng vàng, mời đi đánh chén cách làng cũng đi”.

Nhiều kinh nghiệm chế biến và nấu nướng đã được cha ông truyền lại cho con cháu, vì vậy ở Việt Nam đã hình thành những món ăn gắn liền với những vùng đất, tạo nên những làng nghề truyền thống: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”, cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu làng Mơ…

Quan niệm về ăn uống của người Việt cũng rất đặc sắc. Người Việt Nam coi ăn uống là nhu cầu tất yếu. Song bên cạnh đó con người luôn phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Vì vậy, với con người, ăn không chỉ là bản năng mà còn là văn hóa. Ăn sao cho văn minh, lich sự, và để  ăn uống trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt đời thường.

Người Việt Nam coi trọng và đánh giá cao lời mời: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Vì vậy hình thành nên nguyên tắc quan trọng trong ứng xử: “Ăn có mời, làm có khiến”.

Không gian và đồ dùng ăn uống phải thoáng đãng, sạch sẽ. Cha ông ta không thích “Ăn xó mó niêu”, “Bốc ngầm trong niêu”. Chính vì vậy mà tồn tại quan niệm: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”- sự coi trọng giá trị tinh thần của việc ăn uống, đồng thời thể hiện thói quen đàng hoàng trong ăn uống. Trong ăn uống, việc ý tứ, từ tốn là rất quan trọng: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Thông thường, trong nếp sống của người Việt, hễ nhà nào có món gì ngon hoặc khi nhà có việc, người ta thường mang thức ăn sang biếu anh em hoặc hàng xóm. Họ san sẻ, giúp đỡ nhau khi đói cũng như khi no: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nét đẹp ấy của người Việt Nam làm xúc động lòng người.

Miếng ăn còn ẩn chứa giá trị tình thương. Nhiều món ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng tình nghĩa yêu thương làm cho người ăn cảm thấy ngon miệng: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”- đó cái ngon của tình nghĩa con người. Bởi vậy người ta sống vì “tình” chứ không phải vì “thực”: “Vì tình vì nghĩa chứ ai vì đĩa xôi đầy”, “Trời đánh tránh miếng ăn”; một người ốm đau là bữa ăn đó mất vui: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Món ăn lung linh ánh sáng tình người, vì thế nhớ đến món ăn dân dã của quê hương cũng là nhớ đến tình người trong đó: “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Đó thực sự là nét đẹp trong ăn uống thể hiện tình cảm giữa người với người.

Coi trọng “tình” hơn “thực” nên nhiều khi cha ông ta có những quan niệm có phần cực đoan như: “Miếng ăn vào dạ như vạ vào thân”, “Ăn đã vậy múa gậy sao đây”. Nhưng cũng từ đó, cha ông ta cũng để lại những lời khuyên đơn giản mà thấm thía: “Tham thực cực thân”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàng”; khuyên con cháu “ăn phải nhai, nói phải nghĩ”, “ăn vóc học hay”, “ăn cây nào, rào cây ấy”, không được “ăn cháo đái bát”.

Những câu tục ngữ về ăn uống không chỉ mang giá trị khoa học về ẩm thực mà còn tỏa sáng giá trị tinh thần người của người Việt và ẩn chứa những quy tắc ứng xử, những bài học luân lí sâu sắc. Bên cạnh phần lớn người Việt Nam văn minh, lịch sự và tình cảm trong ăn uống thì vẫn còn tồn tại những người “ăn tục nói khoác”, những hiện tượng “cốc mò cò xơi”. Chúng ta trân trọng, ngợi ca những nét đẹp trong ăn uống truyền thống của người Việt song cũng không khỏi băn khoăn trước những biểu hiện không đẹp trong đời sống nói chung và ăn uống nói riêng của một số người. Ngày nay, chúng ta phải có trách nhiệm nâng niu, giữ gìn những giá trị truyền thống quý báu trong văn hoá ẩm thực, đồng thời không ngừng phát triển nó lên cho phù hợp với thời đại mới, làm tỏa sáng thêm những nét văn hóa mang bản sắc Việt Nam./.

                                                                                                                        Nguồn: Nguyễn Hiền (CTV)
Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét