VÕ TRẬN ĐẠI VIỆT
DI SẢN
VĂN HÓA DÂN TỘC CẦN ĐƯỢC GIỮ GÌN
Yeue VS.Nguyễn Minh Tuấn – Trần Đức Thuận
1.Võ trận Đại Việt – Những giá trị từ
ngàn xưa.
“Di sản văn hoá Việt Nam
là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di
sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước
của dân tộc ta….”. Hiểu theo một cách dân dã thì di sản văn hóa là những tinh
túy được các thế hệ trước đúc tỉa, gây dựng, chuyển tiếp cho những thế hệ sau. Đó
có thể là bản tính siêng năng – chịu khó, không quản ngại vất vả, cực nhọc để cải
biến thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hay cũng có thể là phẩm
chất linh hoạt trong sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, hoặc cũng có thể là những
thành tựu về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, cao hơn có thể là tư tưởng
nhân văn, lòng nhân ái, kinh nghiệm giữ nước – chống ngoại xâm…Tất cả những nét
văn hóa mang tính bản sắc ấy đã được các thế hệ tiền nhân tâm huyết gìn giữ và
truyền lại cho con cháu với ước nguyện xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam ngày
càng đậm đà bản sắc.
Tuy nhiên, nhìn vào thực
trạng nhiều di sản văn hóa trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam đã và đang
mai một dần khiến cho những người quan tâm đến sự tồn vong của nền văn hóa Việt
không khỏi lo âu, trăn trở…
***
Như một lẽ tất yếu ! quy
luật đào thải tự nhiên sẽ tự động loại bỏ đi những yếu tố văn hóa không còn phù
hợp với đời sống hiện đại như các nghi lễ phức tạp của phong tục ma chay, cưới
hỏi, các nghi lễ cầu mùa, các hủ tục kiêng cữ…Song có nhiều di sản văn hóa tuy
không còn mang những vai trò thiết thực ở đời sống thực tại nhưng lại ẩn chứa trong
nó những giá trị văn hóa, lịch sử rất sâu sắc. Thực trạng đó khiến chúng ta cần
có những cách nhìn riêng và những chính sách bảo tồn phù hợp. Chúng tôi đang muốn
đề cấp đến một trong những nét văn hóa như vậy ! Di sản văn hóa Võ trận Đại Việt.
Nói về Võ trận Đại Việt
mà trước hết là võ trận, đây là loại võ cổ truyền được hình thành từ rất xa
xưa, gắn liền với những cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ con dân, xứ
sở. Võ trận được hình thành từ thực tiễn chống ngoại xâm, và từ những cuộc đấu
tranh chống xâm lăng tầm vóc to lớn của dân tộc Việt Nam cũng đã từng bước được
khẳng định. Trong đó, võ trận – võ ta có những bước phát triển nhanh chóng, đáp
ứng nhu cầu của thực tiễn đặt ra ở mỗi thời kỳ. Và, qua những thời khắc khó
khăn ấy, võ trận lại càng được bồi đắp thêm sự tinh túy chắt lọc từ trong thực
tiễn giao tranh.
Trong giai đoạn Đại Việt
(X-XIX), dưới tài thao lược của nhiều danh tướng tài ba như: Ngô Quyền, Lý Thường
Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương, Lê Lợi, Quang Trung...Võ trận đã được nâng lên một tầm
cao mới gắn liền với tên gọi Võ trận Đại Việt. Ngoài những dòng võ gia truyền,
tộc truyền, bước đầu đã xuất hiện những cuốn “binh thư”, “binh pháp” nhằm dùng
cho quan binh luyện rèn võ nghệ và cả nghệ thuật dùng binh. Đó là một bước phát
triển rất mới trong dòng võ học dân tộc, võ học đã hướng vào sự vững mạnh của
quốc gia hơn là việc thủ thế, tư truyền trong dòng họ của mình.
Võ trận Đại Việt – thứ “bảo bối” đã cùng dân tộc ta trải qua không biết
bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc, hầu như ở triều đại nào dân tộc Việt Nam
cũng đều phải chống chọi với các thế lực thù địch ngoại bang. Hết quân phương Bắc,
đến quân Nguyên – Mông, rồi quân Chiêm Thành, Xiêm La đều nuôi dã tâm thâu tóm
quốc gia Đại Việt. Với một quốc gia đất không rộng, người không đông như Đại Việt
xưa việc chống chọi ngoại xâm là hết sức khó khăn và gian khổ. Song, với tài
thao lược, quân và dân ta luôn giành được những chiến thắng lẫy lừng cho dù kẻ
thù hùng mạnh đến đâu. Lịch sử Việt Nam và Võ trận Đại Việt được gây dựng qua
những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và không triều đại nào lại không có những
võ tướng thao lược như: Ngô Quyền với trận cọc gỗ trên sông Bạch Đằng đánh tan
đội quân Nam Hán (938), Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (968), Lý Thường Kiệt
với trận phản công trên sông Như Nguyệt tiêu diệt 30 vạn quân Tống (1077), đội
quân “bất bại” Nguyên – Mông 3 lần tiến quân vào Đại Việt là cả 3 lần phải ôm hận
– đó là công lao của toàn dân Đại Việt ta nhưng không thể không nhắc tới bậc võ
tướng thiên tài Trần Quốc Tuấn…
***
Võ trận Đại Việt vừa thể
hiện thành quả kinh nghiệm được đúc kết qua thực tiễn trận mạc vừa thể hiện khí
phách con người Việt Nam. Phải sống bên cạnh một đất nước Trung Hoa to lớn với
rất nhiều tham vọng bành trướng, triều đại Trung Hoa nào cũng luôn hướng mũi
giáo xuống đất nước nhỏ bé phương Nam. Tuy nhiên, dân tộc Đại Việt chưa bao giờ
thuần phục, lệ thuộc Trung Hoa một cách mù quáng. Dù phải triều công hàng năm
nhưng Đại Việt vẫn giữ được sự độc lập, chủ động. Mỗi khi đất nước bị đe dọa bởi
ngoại xâm, quốc gia Đại Việt lại hiên ngang đứng lên bảo vệ non sông, bờ cõi.
Qua mỗi bận giao tranh đó dân tộc Việt Nam càng cứng cỏi, người dân Đại Việt
càng bất khuất, nền võ học dân tộc – Võ trận ngày càng được trui rèn bồi đắp
thêm. Võ trận Đại Việt trở thành 1 pho binh thư sống động với sự bồi đắp của biết
bao thế hệ truyền nhân, là thành quả của những kinh nghiệm thực tiễn được các bậc
võ tướng đúc kết.
***
Võ trận Đại Việt - minh chứng xác thực cho phẩm chất, bản lĩnh
con người Việt Nam. Võ trận Đại Việt là một sản phẩm của trí tuệ của những bộ
óc quân sự lỗi lạc nhất từ ngàn xưa được dựa trên nền tảng tri thức dân tộc.
Chính vì vậy nó vừa mang những đặc trưng chung của con người Việt Nam như đặc
tính mạnh mẽ, dứt khoát, nhanh nhạy biết dựa vào điều kiện thực tiễn vừa thiên
biến vạn hóa dưới sự thi triển của người dụng võ.
Nếu như võ Tàu rất chú trọng
đến sự uyển chuyển điệu đà, đề cao sự cân đối, tính hoa mỹ, có nhiều chiêu thức
mang tính biểu diễn cao thì Võ trận Đại Việt – một phần quan trọng của võ cổ
truyền Việt Nam luôn đề cao tính chiến đấu, sự hiệu quả, khả năng kết hợp thủ -
cước liên hoàn khiến đối phương không thể chống đỡ. Bên cạnh đó khả năng ứng biến
trên chiến trường, cách bày binh bố trận vận dụng địa thế cũng là một nghệ thuật
rất đặc sắc của Võ trận Đại Việt ta. Ắt hẳn nếu như không có những thứ bảo bối
tinh túy đó thì việc luôn phải đối chọi với những thế lực ngoại bang lúc nào
cũng chiếm ưu thế áp đảo về số lượng, liệu Đại Việt có thể giành được những chiến
thắng vang dội như vậy?
Chúng ta rất tự hào khi ở thời nào Đại
Việt cũng có những bậc võ tướng xuất chúng như hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền,
Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung…Họ đã làm cho
chính kẻ địch phải thốt lên:
“Hoành qua đương hổ dị
Đối diện bà vương nan”
Họ đã làm nên “thế trận những dòng
sông”, những “tuyến phòng thủ thép, trận phản công mẫu mực”, những trận Tốt động,
Chúc động, Chi Lăng, Xương Giang…làm cho địch hồn bay phách lạc, tim đập chân
run; ngồi trong ống đồng còn sợ mất đầu, tha về đến nước mà chân đi chưa vững;
hoặc nhìn thế giặc là biết “dễ phá”, dùng ngòi bút dụng thuật “tâm công”. Họ là
1 phần của lịch sử dân tộc, 1 phần của võ trận – Võ trận Đại Việt.
2.Thực trạng tồn tại của Võ trận Đại
Việt.
Dù
tồn tại trong lịch sử với tư cách là một thành tố văn hóa truyền thống có chiều
dài trải suốt bốn nghìn năm lịch sử, song hiện tại ở Việt Nam thuật ngữ “võ trận
– Võ trận Đại Việt” không thực sự phổ biến, có chăng chỉ là những khái niệm dẫn
dụ về nguồn gốc võ thuật cổ truyền xuất hiện trong các bài viết tản mạn của các
nhà nghiên cứu, các lão võ sư. Thế hệ trẻ Việt Nam trong nước hầu như chưa được
biết đến khái niệm này cũng như môn phái Võ trận Đại Việt.
Thực
trạng này cũng không khó để chúng ta có thể luận giải: Bước sang thế kỷ XIX,
khi những cuộc chiến tranh dựa nhiều vào sức mạnh vũ khí – đạn dược, võ thuật
chiến trận mất dần đi vai trò tiên quyết trong những cuộc giao tranh. Mặt khác,
võ trận - Võ trận Đại Việt không mang những đặc trưng của võ thuật dân gian mà
nó là dòng võ chỉ lưu truyền trong các dòng quan võ; một số ít bài bản, đòn thế
được phổ biến trong đội ngũ binh lính. Võ trận không phổ biến trong dân gian vì
vậy khả năng lưu truyền trong nhân dân gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trong
giai đoạn lịch sử có nhiều biến loạn từ thế kỷ XIX, nhiều dòng họ võ quan thường
mang tâm lý “dấu nghề” hoặc hạn chế con cháu theo nghiệp võ để tránh hệ lụy
binh đao. Võ cổ truyền – Võ trận Đại Việt thực sự đi vào giai đoạn suy thoái trầm
trọng.
Tuy
nhiên, với tinh thần thượng võ, sự tri ơn tổ tiên đã gây dựng và truyền dạy, một
số ít dòng họ vẫn âm thầm gắng gượng truyền lại võ nghệ cho cháu con. Và, xem
đó như là những di sản quý báu của tổ tiên, dòng họ mình. Họ không muốn và cũng
không đủ điều kiện để mở những lớp dạy võ. Chính vì vậy võ trận vốn dĩ đã rất
mai một nay đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn biến mất trong nền văn hóa Việt
Nam. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ chẳng còn cơ hội thị phạm những đòn thế võ cổ đã
cùng cha ông ta làm nên những chiến công hiển hách. Đó quả thực là một thực cảnh
không còn xa và nếu như điều đó xảy ra thì quả là thật đáng buồn cho lớp hậu thế
…
Là
hậu duệ của bậc võ quan Triều Nguyễn Nguyễn Duy Đạm, Nguyễn Minh Tuấn đã sớm
mang trong lòng tình yêu võ thuật, ý thức gìn giữ nền văn hóa truyền thống Việt
Nam. Lên 5 tuổi, Nguyễn Minh Tuấn bắt đầu được gia đình truyền dạy võ thuật và
hơn 30 năm sau Nguyễn Minh Tuấn vẫn miệt mài đi trên con đường võ học. Tuổi trẻ,
Nguyễn Minh Tuấn đã từng rong ruổi nhiều nơi trên các miền đất võ khắp cả nước,
gặp gỡ, học hỏi nhiều bậc võ sư, bồi đắp thêm cho kiến thức võ học bên cạnh nền
tảng võ thuật của dòng họ mình.
Năm
1998, Nguyễn Minh Tuấn đi đến 1 quyết định hết sức táo bạo: thành lập võ đường
riêng tại San Jose, California.
Sở dĩ đây được xem là quyết định “liều
lĩnh” nhất cuộc đời anh là vì lúc này anh phải đối diện với nguy cơ thất bại
đang hiển diện trước mặt. Nguyễn Minh Tuấn còn phải làm việc để nuôi sống bản
thân và gia đình, mọi chi phí của lớp võ một tay anh phải đảm trách từ tiền
thuê địa điểm, mua binh khí, chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, điều mà lo lắng nhất
là không được cộng đồng ủng hộ. Anh sợ mình thất bại, song anh sợ hơn khi thấy
các em – thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ không có điều kiện
để kết nối với văn hóa truyền thồng dân tộc. Chính điều đó đã thôi thúc anh
không ngừng cố gắng, gần 15 năm qua Võ sư Nguyễn Minh Tuấn đã đào tạo hơn 500
võ sinh, nhiều thế hệ môn sinh đã trưởng thành trên đường đời, một vài môn sinh
vẫn gắn bó với võ đường, cùng anh dạy dỗ những thế hệ kế tiếp. Nguyễn Minh Tuấn
vẫn vậy, dạy võ hoàn toàn miễn phí, anh chỉ cần ở môn sinh mình tấm lòng chân
tình, ở cộng đồng sự quân tâm – chia sẻ, anh vẫn trần đầy nhiệt huyết và những
dự định trong tương lai.
3.Giải pháp bảo tồn Võ trận Đại Việt.
Công
việc bảo tồn văn hóa luôn là công việc rất khó khăn của các nhà quản lý; công
việc này đòi hỏi điều kiện kinh phí, sự tâm huyết và một trình độ âm hiểu về di
sản văn hóa nhất định; thiếu một trong những điều kiện trên công tác bảo tồn
khó có thể đem lại kết quả như mong đợi. Đối với di sản văn hóa Võ trận Đại Việt
công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn hơn do lượng tư liệu thành văn hầu như
không còn, số người thực hiện di sản, nghiên cứu và có sự am hiểu di sản rất ít.
Mặt khác, hiện tại ở Việt Nam không có võ đường Võ trận Đại Việt nào hoạt động.
Tuy vậy, chúng ta vẫn có khả năng bảo tồn thành công di sản độc đáo này nếu như
có được những biện pháp thích hợp.
Vấn
đề mang tính tiên quyết là công tác sưu tầm, hệ thống lại các bài bản, đòn thế
trong dân gian. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi khả năng tài chính,
nhân lực chuyên môn và rất nhiều thời gian để có thể khảo sát kỹ càng các vùng
đất võ. Ngoài hệ thống bài bản ở võ đường Võ trận Đại Việt gồm nhiều bài quyền
cổ, thuần Việt được giới võ thuật đánh giá rất cao như: Thần Đồng thảo
pháp, Thiền Sư thảo pháp, Yến Phi thảo pháp, Thái Sơn côn thảo pháp,
Trung bình tiên thảo pháp, Phượng Hoàng tiên thảo pháp, Trường kiếm
thảo pháp, Tứ hải thảo pháp, Lữ Vọng tiên thảo pháp, Lão Mai thảo
pháp, Ngọc Trản thảo pháp, Đoản côn thảo pháp, Song đao thảo pháp, Trường
thương thảo pháp…Chúng tôi nghĩ vẫn còn nhiều dòng họ võ trong dân gian còn
giữ được các bài võ cổ, song làm sao để nhận định chất “cổ”, chất “thuần Việt”
và thẩm định nó có phải thuộc trường phái võ trận hay không đòi hỏi một đội ngũ
chuyên môn có sự am hiểu về võ học thực thụ. Khi có được hệ thống bài bản, đòn
thế, chúng ta phải biên tập lại để phù hợp hơn cho công việc giảng dạy. Tuy
nhiên, tránh trường hợp “thể thao hóa” làm mất đi tính “chiến đấu” đặc trưng của
Võ trận Đại Việt giống như thực trạng võ thuật cổ truyền Việt Nam thực tại. Võ
trận Đại Việt là thứ võ giao tranh trên chiến trường, trọng tính thực dụng, hiệu
quả không đề cao tính biểu diễn – thẩm mỹ…
Bên
cạnh công tác sưu tầm, hệ thống lại bài bản chúng ta cũng cần nhanh chóng mở những
lớp tập huấn, những khóa đào tạo các thế hệ võ sư dài hạn nhằm tạo dựng nên những
nhân tố hạt nhân đáp ứng khả năng tiếp thu, lưu giữ và truyền dạy sau này. Võ
đường võ phái Võ trận Đại Việt cần trở thành một nhân tố trung tâm khuếch
trương tầm ảnh hưởng, kết nối các tấm lòng yêu chuộng văn hóa, võ thuật dân tộc
như Võ sư – Chưởng môn Nguyễn Minh Tuấn từng chia sẻ “…Khi sinh hoạt tại võ đường
các võ sinh được truyền đạt hầu hết những kiến thức thuần khiết của võ học. Hơn
thế nữa họ còn được kết nối với những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Trong
các bài giảng, bài trao đổi của mình, ông luôn tìm cách lồng ghép vào đó những
yếu tố lịch sử, văn hóa để các môn sinh có dịp nắm bắt, hiểu biết sâu hơn về
truyền thống vẻ vang của dân tộc mình…”
Để
công việc bảo tồn Di sản Võ trận Đại Việt thành công ngoài trách nhiệm của những
cá nhân đang thực hành di sản, chúng ta rất cần sự quan tâm chia sẻ của cả cộng
đồng trong và ngoài nước, các tổ chức chuyên ngành về cả vật chất và tinh thần.
Hy vọng rằng thứ di sản quý báu đã đồng hành cùng dân tộc ta suốt bốn nghìn năm
lịch sử giữ nước sẽ tìm lại được vị trí vốn có trong lòng dân tộc, Võ trận Đại Việt sẽ được các thế hệ trẻ
Việt Nam nối tiếp nhau truyền giữ…
San Jose, California ngày 28
tháng 9 năm 2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét