Uống trà là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Ngày xưa
trà chỉ được dùng trong lớp quyền qúy cao sang. Tác phong mời trà một
cách cung kính, nâng tách trà bằng hai tay tỏ ra rất thanh tao lịch lãm.
Qua cung cách này người được mời có thể thấy được phần nào cốt cách
sống và hiểu phần nào chịu ảnh hưởng gia phong của người mời trà. Trước
khi uống người ta nhẹ nhàng đưa tách trà lên thưởng thức hương trà rồi
từ tốn nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức vị ngon của trà. Từ chất lượng
của tách trà người uống sẽ thấy được cái tâm, cái tình của người đã pha
chung trà.
Trà không chỉ là một thức uống mang đậm bản sắc văn
hóa mà có gía trị liệu pháp, giúp cho máu huyết lưu thông, lợi tiểu, có
khả năng chống ung thư, tiêu độc, điều hòa huyết áp…Trước đây trà chỉ
phổ biến ở một số nước Châu á như ở Ấn Độ, Srilanca chỗ nào cũng trồng
trà để cung cấp cho người bản địa và cả cho xuất khẩu. Sau này được lan
rộng ra các nước Trung Á như một số nước thuộc khối “Udơbêch” của các
nước cộng hòa Liên Xô cũ, đặc biệt những nước này không trồng trà, nhưng
ở nơi nào cũng uống trà. Trên “con đường tơ lụa” trà dần dần có mặt ở
các nước Châu Âu .
Ở Việt Nam, có thể nói trà có mặt trong mọi hoạt động của xã hội, từ
trong gia đình ra ngoài phố, từ nhà hàng, quán chợ cho đến những nơi
tiếp khách sang trọng. Từ tế lễ, cưới hỏi, sinh nhật, ma chay, cúng giỗ…
Nếu trà dùng khi nhất ẩm (uống trà một
mình) là lúc người đó đang nhâm nhi lẩm nhẩm thi thơ ôn luyện, nếu song
ẩm (hai người uống trà) thì cùng cởi mở văn bài tiêu dao, thậm chí hưng
phấn cùng cầm kỳ thi họa và cùng nhau thưởng thức tiếng oanh nỉ non
ngoài vườn. Trà cũng như người bạn tâm giao của con người khi có tâm sự,
giúp cho người ta nhớ đến tri ân tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về
mình, về nhân tình thế thái những năm tháng qua. Khi giận dữ không ai tự
pha được ấm trà ngon, chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi
uống trà như một cách thiền “chánh niệm” vậy
Phong cách uống trà của người Việt Nam
rất đa dạng không theo chuẩn mực nào, biểu hiện đầy đủ khía cạnh ngôn
ngữ sâu xa trong văn hóa ứng xử đầy tính sáng tạo của người pha trà và
người được mời uống trà đã được nâng lên bậc nghệ thuật pha trà và văn
hóa uống trà. Những người hiểu biết về văn hóa uống trà, nghệ thuật pha
trà của người Việt Nam thì không bao giờ chịu ảnh hưởng chút nào của
người Trung Quốc, Hàn Quốc, càng không giống trà đạo của người Nhật Bản.
Có thể khẳng định ở Việt Nam không có trà đạo mà chỉ có nghệ thuật uống
trà.
Người trong Hoàng cung trước kia khi pha
trà cho các ông vua, bà hoàng rất cầu kỳ và công phu, phải hứng từng
giọt sương trên búp sen vào lúc chưa có ánh nắng. Còn các cụ xưa thường
dùng nước mưa sẽ giúp cho nước trà tăng thêm vị ngọt, sau khi uống sẽ
thấy vị ngọt lưu lại nơi cổ họng. Kỹ năng pha trà tùy theo kinh nghiệm
bí quyết của mỗi người, tùy vào chất lượng và hương vị của mỗi loại trà
nên pha loại ấm nào. Trước khi pha trà phải tráng ấm bằng nuớc sôi cho
nóng trước rồi cho trà vào, khi pha xong đậy nắp kín tiếp tục rót nước
sôi từ trên nắp xuống như tắm ấm để giữ nhiệt độ nóng trong ấm giúp cho
các cánh trà được thấm đều.
Những người uống trà sành điệu miền Bắc thường uống
trà không ướp hương, vì như thế sẽ không còn hương vị thật của trà.
Khoảng mười năm trở lại đây trà được phát triển rộng rãi để phục vụ nhu
cầu trong nước và để xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã sử dụng
hương liệu để ướp trà trong đó có những công ty và cơ sở nổi tiếng cũng
dùng kỹ thuật này nhằm mục đích có lãi cao. Điều đáng chú ý là trà ướp
hương liệu thường có mùi thơm đậm hơn trà có hương vị thật, chỉ có người
sành điệu uống trà mới biết trà nào ướp hương liệu và trà nào là nguyên
chất. Có doanh nghiệp ở tỉnh lẻ còn dùng thủ đoạn dụ du khách vào uống
trà miễn phí để rồi khách phải mua trà với cái gía “cắt cổ” mang về.
Ngày tết hay trong sinh hoạt thường nhật, đến bất cứ
gia đình nào hay cơ quan nào chỉ cần nhìn cung cách chủ nhà pha trà, rót
trà, mời trà là có thể thấy được người đó có sành văn hóa uống trà hay
không, chưa nói đến nghệ thuật pha trà. Thế nhưng, dù con người đang ở
bất cứ trạng thái nào khi có tách trà trên tay cũng giúp cho người ta
thấy lịch lãm thư thái. Chính vì vậy trà không chỉ là một thức uống mang
đậm bản sắc văn hóa trong đời sống mà còn được các nhà làm nghệ thuật
sân khấu và điện ảnh thường sử dụng như một đạo cụ, một phương tiện để
các nhân vật giao lưu giúp cho diễn viên nâng cao trình độ diễn xuất.
Mới đây Cục điện ảnh chủ trương không đưa thuốc lá lên phim thì văn hóa
uống trà của dân tộc ta càng được nâng cao gía trị trên màn bạc và trong
cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét