Áo dài - nét đẹp đặc sắc của văn hoá Việt Nam - Kiến thức tổ chức sự kiện | Kinh nghiệm tổ chức sự kiện | Tổ chức sự kiện chuyên nghiệp
Home » , , , , , » Áo dài - nét đẹp đặc sắc của văn hoá Việt Nam

Áo dài - nét đẹp đặc sắc của văn hoá Việt Nam

Written By Trangia Event on Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012 | 18:58

       Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là "quốc hồn quốc tuý" của dân tộc và được coi như một biểu tượng Việt Nam. Vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo của chiếc áo dài Việt Nam được thẻ hiện bằng cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại với hai tà áo thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam cũng đầy nữ tính, gợi cảm. Nếu người phương Tây thích khoe cổ, khoe tay thì chiếc áo dài với đường lượn ở đáy eo cũng đã tạo nên bao sự gợi cảm, cuốn hút.
Trangia Event - Áo dài Việt Nam
       Theo tư liệu của ông Âu Tuyền (Huế), chiếc áo dài xưa "có độ dài vừa phải, không lê thê phết gót mà cũng không ngắn đến quá đầu gối. Eo áo rộng nhưng cũng tạo dáng thắt đáy lưng ong. Vai tròn, ngực tròn dù bên trong chỉ mặc áo yếm. áo dài xưa thường có màu trắng hoặc màu nhẹ nhàng như màu xanh da trời, tím nhạt, tuyền đen, vàng mơ mặc với quần đen hoặc trắng, ống quần không quá rộng...". Chất liệu chủ yếu bằng lụa là.
       Trong vòng 100 năm qua, chiếc áo dài Việt Nam cũng trải nhiều biến đổi, thăng trầm. Từ chiếc áo dài thụng năm thân, áo rộng, không eo, dài đến gần mắt cá chân của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ đến năm 1935 hoạ sĩ Lê Phổ là người đầu tiên cách tân chiếc áo dài Việt Nam. Ông vẫn giữ phong cách của áo dài cổ điển nhưng tiện dụng và tân thời hơn với áo dài được may ôm hơn, cổ thấp hơn, chiều dài áo ngắn hơn một đoạn. Sau áo dài Lê Phổ còn có áo dài Le Mỷr của ông Nguyễn Cát Tường cách tân nhưng không thành công với áo dài tay bồng... Trong thập niên 60, trước sự du nhập của chất liệu nilon, bà Trần Lệ Xuân có lúc lăng xê loại áo dài nilon mỏng tang, cổ khoét sâu táo bạo với cổ áo dài rộng, cổ tròn, cổ vuông, cổ trái tim. Nhưng kiểu áo này chỉ tồn tại gượng gạo trong một thời gian ngắn.
       Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của một số hoạ sĩ, nhà tạo mẫu đã đem lại một vẻ đẹp mới cho tà áo dài Việt Nam. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, họ đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hoá truyền thống Việt Nam như thêu, vẽ những hoạ tiết trang trí, điểm xuyết những hoa văn từ các trang phục của các dân tộc Việt Nam, hoạ tiết từ trống đồng Ngọc Lũ, phục hồi chiếc áo dài 300 năm, phục hồi nghệ thuật thêu truyền thống trên áo dài... đã tạo nên một ấn tượng đẹp cho áo dài Việt Nam.
      Tuy nhiên, sự phát triển thiếu định hướng, còn nhiều bộc phát của thị trường thời trang Việt Nam cũng đang để lại nhiều biểu hiện đáng tiếc. Có không ít các nhà tạo mẫu đang chạy theo sự "cách tân" một cách quá đà, đang đi tìm sự độc đáo, cái lạ hơn là sáng tạo nên đã biến chiếc áo dài Việt Nam đôi khi bị lai căng. Có nhà tạo mẫu quan niệm áo dài là một chiếc áo đầm có mặc quần vào áo tay phồng hoặc sát nách, có bộ áo dài lại mang dáng dấp của trang phục người Hoa, có người còn thiết kế áo dài với cổ áo sơ mi... Sự chạy đua quá đà cũng dẫn đến tình trạng khủng hoảng. Trong một cuộc thi người đẹp gần đây, người xem không khỏi nhức mắt khi thấy phần lớn các thí sinh mặc các bộ áo vẽ quá rườm rà, với nhiều hoa văn rối loạn và thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi một thí sinh xuất hiện với một tà áo trắng đơn sơ, giản dị.
      Phong cách của chiếc áo dài Việt Nam đã được tạo nên từ hàng trăm năm nay. Để có thể sáng tạo và gìn giữ được vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống, những người sáng tạo cần có tình cảm trong sáng và thẩm thấu được cái hồn của văn hoá Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm.
Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét