Cô dâu chú rể nào cũng mong muốn tổ chức được một tiệc cưới
mà các vị khách của mình đến và ra về trong sự hài lòng, vui vẻ trọn
vẹn. Để làm được điều đó, bạn cần đặt mình vào vị trí là khách mời để
thấu hiểu và tránh mắc phải các sơ sót sau đây.
1. Sơ sót khi lên danh sách khách mời
Tùy vào mạng lưới mối quan hệ và cả điều kiện tài chính mà các cặp
đôi phải mất khá nhiều thời gian lên danh sách khách mời. Đôi khi vì
không muốn làm không khí ngày cưới bị “loãng” hoặc muốn một đám cưới
giản dị, các bạn có thể hạn chế mời các vị khách không thật thân thiết.
Nhưng cũng nên cân nhắc đến việc sẽ có người quen nào đấy “tự ái” khi
không nhận được thiệp cưới và giận cả hai bạn.
Nên làm gì trong tình huống này?
Thiệp báo hỷ là một giải pháp
hữu hiệu khi bạn muốn thông báo cho khách biết hôn lễ của mình. Để các
khách mời hiểu hơn rằng thiệp chỉ mang tính thông báo, bạn có thể thêm
vào một câu nói ý nhị ở cuối thiệp “Lời chúc phúc của quý vị chính là
món quà ý nghĩa nhất dành cho chúng tôi” để bạn bè, người thân hiểu rằng
bạn vẫn nhớ đến họ nhưng vì điều kiện không cho phép nên không thể mời
họ đến tham dự lễ cưới.
Còn đối với những khách mà bạn dự định sẽ
mời đến dự lễ cưới, bạn nên chia nhỏ mạng lưới quan hệ của mình thành
từng nhóm để tránh mời sót nhân vật quan trọng nào đó.
2. Không đầu tư kĩ phần thực đơn tiệc cưới
Bất kì nhà hàng tiệc cưới nào hiện nay cũng có những
lựa chọn về thực đơn ngày cưới phong phú cho các cô dâu chú rể. Và chắc
hẳn bạn cũng phải công nhận, món ăn là một trong những phần quan trọng
nhất lưu lại ấn tượng tốt hay không tốt của khách mời dự tiệc cưới của
bạn. Một thực đơn quá béo hay quá nhiều đạm cũng khiến các vị khách lớn
tuổi than phiền. Hay những món ăn bạn chọn có phần “khiêm tốn” vì điều
kiện kinh tế cũng khiến khách mời không vui hay thậm chí nghĩ rằng bạn
hơi thiếu tôn trọng họ.
Tuy nhiên vẫn có giải pháp cho vấn đề này. Bạn hãy đặt tiêu chí “phổ
biến”, “quen thuộc” để đảm bảo rằng phần lớn các khách mời có khẩu vị
hợp với món ăn. Thứ hai, liên quan đến điều kiện kinh tế, hãy gạt bớt
những món “quen” nhưng “đắt” ra khỏi danh sách chọn lựa. Kế tiếp, hãy
nhờ bố mẹ hai bên hoặc nhân viên nhận tiệc của nhà hàng tư vấn phối hợp
thật khéo giữa những món thanh đạm và dầu mỡ xen kẽ để khách mời cảm
thấy no vừa đủ mà không bị đầy cho tới tận món tráng miệng. Và một lưu ý
khác, việc các món ăn ngon hay có làm hài lòng khách dự tiệc hay không
còn tùy thuộc phần lớn vào các yếu tố bạn khó lòng kiểm soát như đầu bếp
nhà hàng, khẩu vị khách mời, cách phục vụ. Vì thế, hãy cố gắng đón tiếp
khách thật nồng hậu để tất cả đều cảm thấy hài lòng mà bỏ qua những sơ
sót nhỏ trong bữa tiệc.
3. Nhắc đi nhắc lại về lễ cưới của bạn!
Việc đặt bàn mà khách không đến dự khiến bàn bị dư nhiều luôn là nỗi
ám ảnh gây áp lực lên cô dâu chú rể trước ngày cưới. Chính vì vậy mà
nhiều cặp đôi không chỉ gọi điện, gửi thiệp mà còn nhắn tin hay thỉnh
thoảng có cơ hội lại nhắc khách rằng nhớ đến dự. Một, hai lần thì họ có
thể hiểu rằng bạn đang rất thực lòng mong họ đến góp mặt. Nhưng đừng dại
mà nhắc đến lần thứ 3 vì điều đó có thể gây khó chịu hoặc ái ngại cho
những vị khách không dự được! Hoặc chẳng may tiệc của bạn không làm họ
hài lòng thì việc nhớ lại rằng bạn đã nhắc họ tới tham dự những 3 lần
lại càng làm họ thấy không vui hơn.
Chúng tôi khuyên bạn chỉ nên gửi thiệp mời, sau đó cách khoảng 2 – 4 ngày trước khi tổ chức tiệc cưới thì
nhắn tin nhắc họ với nội dung tương tự thiệp mời. Như vậy sẽ đảm bảo
rằng các vị khách không quên ngày cưới của bạn và cách nhắc họ về buổi
lễ cũng rất tế nhị và không gây phiền hà, bạn nhé.
4. Nghi lễ cưới quá rườm rà
Trước khi cưới, ắt hẳn các bạn cũng trải qua nhiều lần dự tiệc và
hiểu cảm giác “sốt ruột” vì thường hay để bụng đói trước khi đến dự. Đặc
biệt với các khách hàng dẫn theo con nhỏ, bạn càng cần phải tâm lý
trước vấn đề khá tế nhị này. Việc đón khách thông thường mất đến 1
tiếng. Vì vậy nếu một nghi lễ cưới kéo dài quá 15 – 20 phút thì không
khí sẽ không còn hào hứng. Bạn nên lưu ý vấn đề ngày với nhà hàng tiệc
cưới mà bạn chọn. Một giải pháp hữu hiệu khác để hạn chế khách mời bị
“xót ruột” thì một số nhà hàng hiện nay thường có bánh khai vị đầu giờ
(bánh mặn hoặc bánh mì que).
5. Chỉnh nhạc âm lượng lớn trong tiệc
Với người trẻ thì có thể nhạc lớn sẽ không là vấn đề. Tuy nhiên người
cao tuổi thì dễ bị ù tai, nhức đầu và ngại nói chuyện khi tiếng nhạc át
hết mọi thứ. Bạn nên lưu ý với bộ phận âm thanh của nhà hàng tiệc cưới
điều chỉnh nhạc thật vừa tai và dễ chịu để mọi người thoải mái trò
chuyện trong khi dự tiệc. Riêng phần văn nghệ, nếu có, bạn nên dặn MC
bắt đầu khơi mào vào gần cuối bữa tiệc, khi bắt đầu đến món thứ 4.
6. Không gian sảnh tiệc quá chật chội
Hãy thử tưởng tượng bạn diện bộ cánh thật đẹp, trang điểm kĩ càng và
đi giày cao gót đến dự tiệc. Hôm đó trời mưa nhưng bạn vẫn đến, và kết
quả là bàn chật cứng. Bạn bất đắc dĩ cùng các vị khách khác phải đứng
chờ nhân viên nháo nhào chen ra cửa sắp bàn và bị va quẹt không ít bởi
không gian quá chật chội. Đây là thực trạng đã diễn ra rất nhiều ở các
nhà hàng tiệc cưới ở tp.hcm. Trước tình huống này khách sẽ cảm thấy
thiếu tôn trọng và rất có thể họ chỉ gửi lại thiệp mời và bỏ về.
Để
tránh tình huống không hay này, bạn đừng nên trừ hao quá mức số bàn
tiệc. Bàn dự phòng luôn phải có và nếu số khách quá đông, bạn không nên
đánh cược đặt bàn ở một nhà hàng tiệc cưới không chắc sẽ đáp ứng đủ chỗ
ngồi. Hiện tại Tp.HCM đã có khá nhiều nhà hàng có mặt bằng rộng rãi,
thoáng đãng để đảm bảo khách được ngồi trong một không gian thoải mái
nhất khi dự tiệc của bạn. Vì vậy nên cân nhắc kĩ khi chọn địa điểm đặt tiệc cưới.
Không chỉ vậy, bạn phải lưu ý nhờ thêm người thân hay bạn bè hỗ trợ
hướng dẫn khách vào bàn nhanh chóng để tránh bị ùn tắc vì khách phải tìm
người quen ngồi cùng.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét